Tôi còn nhớ ngày tôi biết nói thì đôi mắt bố đã không còn nữa, lúc đó tôi không biết vì sao lại thế . Ngày tôi bước chân vào cấp 1, bố đã vui mừng thức cả 1 đêm chỉ để đợi tới sang mai gọi tôi dạy bắt đầu một cuộc sống mới , trước khi đi bố có dặn: " Đi học, là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có , vì thế con nên cố gắng học cho tốt , ở nơi đó là một thế giới khác chứa đựng biết bao điều lạ, con hãy học nó rồi về nói lại cho bố nhé!". Tôi đã không quan tâm lúc ấy bố nói điều đó , mà chạy đi ra với mẹ để mẹ lại tôi đến trường. Tôi nhát lắm, những ngày đi học tôi chẳng dám chơi với ai cả, thấy các bạn nô đùa làm tôi cũng háo hức . Rồi tôi cũng quen dần và kết thân nhiều bạn, mỗi ngày đi học là một niềm vui với tôi, những gì ở trường tôi học được thì tôi đều về kể cho bố nghe, bố hòa cùng niềm vui với tôi, cùng tôi trò chuyện những chuyện ở lớp, bố có thể nhớ hết tên các bạn mà tôi chơi mặc dù chưa được gặp. Những lúc ấy, bố như một người bạn của tôi.
Thời gian cứ thế trôi đi, tôi lớn dần và câu chuyện về "đôi mắt" ấy vẫn là một ẩn số đối với tôi. Tôi vô tâm và không hề biết.
Ngày tôi học lớp 5, trong giờ tập làm văn viết một đề tài tả cảnh nhưng đột nhiên cô lại chỉnh lại đề bài với nội dung là: "Hãy kể về người bạn thân nhất của em".
Tôi không biết kể về ai, người duy nhất trong đầu tôi lúc ấy là bố tôi. Tôi đặt bút viết, tôi miêu tả tất cả từ hình dáng tới khuôn mặt và cả lúc cha cười như thế nào, duy chỉ có đôi mắt cha thì tôi không nói tới. Giờ làm văn đầu tuần sau bài văn của tôi được điểm rất cao, cô thắc mắc hỏi tôi là các bạn khác thì viết về những người bạn bằng tuổi nhưng tôi lại viết về bố của mình, tôi hớn hở trả lời vì đó là người bạn thân nhất của em. Cô bắt đầu đọc bài của tôi cho các bạn cùng lớp nghe, các bạn ngưỡng mộ tôi lắm, đứa nào cũng ước là có được người bố như tôi. Rồi tới ngày tổ chức liên hoan lớp, mẹ bận không thể đi cùng tôi, bố ngỏ ý để bố đi cùng, tôi đồng ý vì các bạn trong lớp rất muốn gặp bố xem có đúng như trong bài văn tôi viết không, thấy vẻ mặt mẹ lo lắng lắm nhưng được sự thuyết phục của bố cuối cùng bố cũng được đi. Bố đi chậm lắm, vừa đi vừa phải bước từng bước một, tôi dắt tay bố mà cứ bắt bố phải đi nhanh, bố chỉ cười.
Khi tới lớp, thấy mọi người đã chuẩn bị hết mọi thứ, mọi người ngồi nói chuyện với nhau bỗng có một đứa bạn đứng lên và nói:
- Ơ, bố nó mù à, thế mà nó viết tả bố nó khác cơ mà.
Cả lớp im lặng không một chút tiếng động nào, dường như 80 cặp mắt đang đổ dồn về tôi, tôi không biết nói gì, tôi xấu hổ với mọi người và chạy về nhà đóng chặt cửa lại mà quên mất còn bố đang ở đó, tôi úp mặt vào gối và khóc. Mẹ về thấy tôi khóc và hỏi bố đâu, tôi bảo bố đi đâu kệ bố tôi không cần biết, còn nhớ vẻ mặt mẹ hốt hoảng lắm, chạy ngay đi tìm bố, vừa ra tới cửa nhà thì thấy bố được bác hàng xóm đưa về, quần áo bố bẩn hết, nghe bác hàng xóm nói là bố bị ngã trên đường về, mẹ tức tôi quá, lôi tôi ra đánh cho một trận, bố đứng đó và can không cho mẹ đánh tôi, tôi gạt tay bố ra và chạy lên gác, lúc ấy tôi ghét bố lắm, chỉ vì bố không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ vì bố … "mù"
Dòng thời gian cứ lặng lẽ âm thầm quay theo nhịp của nó, và vết thương về câu chuyện của quá khứ đã là nỗi niềm ám ảnh tôi , tôi không bao giờ kể gì về bố cho mọi người cả, khi có ai muốn qua nhà tôi chơi tôi đều lấy cớ là không có nhà hoặc một lý do nào đó .
Năm tôi 17 tuổi, chẳng biết từ khi nào và từ bao giờ dòng máu nghệ sĩ lại chảy vào người tôi mạnh mẽ như thế, tôi muốn theo con đường nghệ thuật, tôi muốn được làm một nghệ si chơi vĩ cầm, tôi không bỏ lỡ một buổi biểu diễn nào của các nghệ sĩ violon, tôi tìm tất cả các tài liệu về nghiên cứu.
Và vào một buổi tối trước lúc ăn cơm tôi kể chuyện sau này sẽ ước mơ trở thành một nghệ sĩ violon tài ba, sự hưng phấn khi kể về mơ ước của tôi chưa được một giây sau câu nói đó đã bị một tiếng động mạnh làm tan biết. Mẹ đặt mạnh bát xuống bàn và quát với tôi:
- Mày muốn làm gì thì làm nhưng không được làm nghệ sĩ violon.
Lại thêm một điều nữa mà tôi không hiểu, quay sang nhìn bố tôi thấy khuôn mặt bố cũng không còn nụ cười hằng ngày trước mỗi bữa cơm nữa, tối hôm ấy không khí thật nặng nề.
Là một chàng trai của tuổi 17, tôi bắt đầu muốn khẳng định cái tôi của mình, những buổi đi chơi về muộn hơn thường ngày bắt đầu diễn ra nhiều hơn, và mỗi lần như thế bố lại đứng ở đầu ngõ đợi tôi về dù trời nhiều sương hay mưa tầm tã. Nhưng đến một ngày cái tôi trong tôi vượt quá giới hạn vốn có của nó, tôi đi chơi qua đêm với lũ bạn mà không mảy may nhớ tới là có một người đang đứng đợi tôi, người đó bị " mù ".
Hôm sau tôi mò về thì mẹ đã đợi sẵn tôi ở nhà, tôi bình tĩnh bước vào thì nghe thấy tiếng ho của bố, mẹ không nói một câu nào nhưng tôi tự hiểu, cả đêm qua vì lo cho tôi mà bố đã không ngủ, đứng ngoài trời đợi tôi trong đêm sương rơi thấm đẫm cả những chiếc lá.
Ảnh minh họa: Raysoda.com
Tôi vào xin lỗi bố, giọng bố ho nhưng vẫn thương tôi lắm, bảo tôi lần sau đi chơi ngủ nhà bạn thì nhớ gọi điện về báo với gia đình. Ngỡ tưởng sau lần đó tôi không còn thế nữa, nhưng với sự lôi kéo của chúng bạn tôi bắt đầu thay đổi một phần nào đó, tôi ngày càng đòi nhiều hơn, tôi muốn có điện thoại muốn nhiều thứ lắm, được sự hậu thuẫn của bố những điều đó tôi đều đạt được chính vì thế tôi ngày cành được đằng chân lân đằng đầu, tôi đòi mua xe máy để đi chơi, lần này bố không đồng ý vì tôi chưa đủ tuổi, tôi ức lắm không làm gì, tôi bỏ đi tới tối muộn mới về, vẫn là bố đứng đó đợi tôi. Khi tiếng xe máy phanh lại ở đầu ngõ và nghe thất tiếng tôi bố bảo:
- Về rồi hả con, sao hôm nay về muộn thế, thôi vào nhà đi.
- Ai thế ? - Thằng bạn ngơ ngác hỏi tôi
Sự ám ảnh của nhiều năm trước lại hiện về trong tôi , tôi không biết gì nữa và trả lời thằng bạn
- Ông hàng xóm ấy mà.
Thằng bạn quay lại nói với bố một câu mà khiến tôi đau như cắt:
- Ông già, ông lo chuyện người khác ít thôi, về lo cho con ông ấy, đã mù rồi lại còn đi lang thang ngoài đường.
Tôi chết lặng, không dám nói gì, bố bảo về đi, quãng đường từ ngõ tới nhà không xa lắm nhưng mọi vật xung quanh như đang bị đóng băng lại, bố không nói gì, im lặng suốt.
Về tới nhà, thấy bố thần người mẹ hỏi nhưng bố không nói gì, suốt một tuần liền tôi không còn thấy nụ cười của bố nữa, nhưng tôi ghét bố vì không cho tôi mua xe , rồi câu chuyện của đêm hôm trước cũng bị mẹ tôi biết qua lời kể của một người hàng xóm ở nơi mà bố vẫn hay đợi tôi trước cửa nhà họ. Mẹ nổi giận, chưa bao giờ tôi thấy mẹ nổi giận như thế, mẹ còn biết tôi đã lén đi học nhạc nữa, mẹ quát tôi và hỏi tôi vì sao lại nói như thế, sự nông nổi của tuổi trẻ khiến tôi phải day dứt suốt đời, tôi trả lời:
- Vì …ông ấy bị " mù "
Sự tức giận của mẹ không còn kiểm soát được nữa, mẹ tát tôi mội cái khiến tôi choáng váng và mẹ khóc, lúc đó tôi đâu có biết bố đang ở ngoài cửa và đang định xin cho tôi. Bố lặng lẽ bước xuống cầu thang mà đôi chân run run và bước vào phòng, bố cứ như vậy suốt và một hôm bố nói bố muốn về que thăm họ hàng một tháng, mẹ không đồng ý, lúc ấy tôi không nói gì, bố chỉ bảo là về thăm họ hàng làng xóm, lâu rồi chưa được về nên nhớ mọi người thôi. Chiếc xe đưa bố và mẹ đi về quê đã dần khuất xa phía cuối con đường, tôi quay lại nhà và dọn dẹp vài thứ, bước lên trên căn gác nhỏ, tôi lôi tất cả các thứ ra lau dọn và thấy một cái hộp màu đen đã bị thời gian làm cho cũ kỹ bằng một lớp bụi dày đặc, tôi tò mò mở ra xem thì thật bất ngờ đó là 1 cây đàn violon đã cũ, tôi sung sướng và cất nó đi rồi hàng ngày lôi ra tập, cứ thế tôi bắt đầu luyện tập vào mỗi buổi sáng sau khi mẹ đi làm .
Ảnh minh họa: Lintsi
Một ngày như bao ngày khác, tôi bắt đầu mang cây đàn mà tôi cho là món quà của ông trời đã ban cho tôi ra tập, tôi mải mê say sưa theo từng note nhạc mà không để ý thấy tiếng cổng mở , mẹ về. Nghe theo tiếng nhạc mẹ đứng ngoài nhìn tôi chơi đàn với niềm vui của một nghệ sĩ , và niềm vui bị đánh mất bởi 1 tiếng hắn giọng của mẹ, tôi run rẩy, miệng lắp bắp không nói lên lời. Trái ngược với suy nghĩ của tôi, mẹ vào nhìn chiếc đàn, và ôm nó vào lòng, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mẹ bảo tôi ngồi xuống mẹ kể cho tôi nghe một bí mật, bí mật về đôi mắt của bố
20 năm trước, vào một hôm trường có tổ chức buổi liên hoan và có mời một đoàn văn công tới biểu diễn, ở đó mẹ đã gặp bố, một nghệ sĩ vĩ cầm. Một người hiền lành, tài hoa và đặc biết là có rất nhiều cô gái theo đuổi. Tôi giật mình:
- Mẹ nói cái gì
- Bố
- Vĩ cầm
Mẹ gật đầu, rồi mẹ kể tiếp. Từ lúc ấy, bố và mẹ thường xuyên gặp nhau hơn và mẹ đã yêu bố lúc nào không hay nữa, chuyện tình không suôn sẻ như thế, 2 gia đình phản đối nhưng rồi bố và mẹ đã quyết định lấy nhau bỏ qua sự ngăn cản của mọi người. Mẹ kể, lúc ấy cũng mệt mỏi lắm, ông bà bảo nếu mẹ mà theo bố thì ông bà không nhận mẹ nữa, và rồi nghe theo tiếng gọi nơi trái tim mẹ đã quyết định làm một việc mà nghĩ lại chắc mẹ cũng không dám làm. Cuộc sống của một đôi vợ chồng mới cưới có nhiều khó khăn lắm, những lúc như thế bố luôn là người động viên mẹ. Vào một ngày mẹ được cử đi công tác xa, trên đường đi xe ô tô của đoàn bị tại nạn và trong sự cố đó mẹ đã mất đi đôi mắt của mình. Tôi ngạc nhiên không hiểu gì, và hỏi " Mắt mẹ vẫn còn đấy còn gì, mẹ nói bịa chuyện cho con nghe à!", mẹ cáu giận nhưng vẫn nuốt vào lòng và kể tiếp. Lúc ấy nhà nghèo lắm, không có tiền chữa, ông bà ngoại sau chuyện ấy càng ghét bố nhiều hơn, bố ân hận lắm, và thề là sẽ mang lại ánh sáng cho mẹ, mẹ lúc ấy tuyệt vọng, mọi thứ trước mắt mẹ chỉ là một màu đen, một màn đêm trải dài vô tận.
Bố vẫn ngày ngày tìm và hỏi các bác sĩ cách chữa trị cho mẹ, nhưng điều khó khăn nhất không phải là tiền chữa trị mà muốn mang lại ánh sáng cho mẹ thì cần phải có một đôi mắt khác, đôi mắt mẹ không còn chữa được nữa, mà muốn tìm được đôi mắt khác thì gần như vô vọng. Rồi bố cũng có một tin vui cho mẹ, mẹ vui sướng và hét lên khi biết là mình có thế sắp được nhìn thấy ánh sáng trở lại, bố bảo bố không ở bên mẹ được khi mẹ làm phẫu thuật vì bố phải đi công tác ở xa , mẹ vui mừng quá và bảo là bố đi về cũng là lúc mẹ được nhìn thấy bố.
Ảnh minh họa: Raysoda.com
Rồi ngày hôm ấy mẹ hồi hộp đợi chờ đến lúc được tháo băng, mẹ đã vui sướng phát khóc khi thấy những tia nắng đầu tiên trở lại với mẹ, mẹ vui mừng viết thư cho bố, rồi những bức thư ấy được hồi âm trở lại, mẹ vui mừng kể lại tất cả những gì mẹ được nhìn thấy sau khi được nhìn lại, mẹ kể cả những cảm giác khi bị chìm vào trong bóng đêm ra sao, tất cả những cái đó mẹ đều kể với bố nhưng mẹ đâu biết ngày mẹ được nhìn lại cuộc sống này cũng là lúc bố bước vào thế giới của màn đêm nơi mẹ đã từng bước tới, đôi mắt mẹ có được không của ai khác chính là đôi mắt của bố đã tặng cho mẹ, mẹ ân hận, mẹ khóc, mẹ hận chính bản thân mình, trái lại bố thì không, bố bảo vì tình yêu của bố, bố hi sinh như thế còn ít lắm và bảo với mẹ đó là điều duy nhất bố có thế cho mẹ và mẹ hãy giữ nó cẩn thận, từ đó mẹ không cho phép bất cứ ai nói tới đôi mắt của bố với ý nghĩa xấu cho dù người đó là ai.
Và cây vĩ cầm kể từ đó cũng nằm im theo thời gian, nó là kỉ vật thiêng liêng nhất mà mẹ còn giữ lại được cho bố. Tôi như chết lặng người khi nghe câu chuyện mẹ kể, tôi ân hận vì nhữn gì mình đã làm, những điều mình đã nói, tôi đâu biết tôi có một người cha vĩ đại như thế, tôi hổ thẹn với chính bản thân mình, và nhận thấy mình đã ngu ngốc biết nhường nào . Mẹ nói bố không bao giờ nhắc tới chuyện cây đàn đó nữa, có một lần mẹ hỏi bố sao lại cho mẹ nhiều như thế, bố chỉ trả lời điều bố cho mẹ chỉ là một nhưng mẹ đã cho bố nhiều hơn thế, mẹ đã cho bố tình yêu của mẹ, niềm tin của mẹ và đã cho bố đôi mắt của bố chính là tôi, bố nói đi đổi như thế là lãi lắm rồi, mẹ cười mà nước mắt cứ rơi trên hai gò má, giờ tôi đã hiểu vì sao mẹ đã không cho tôi học đàn vì sao mẹ lúc nào cũng bảo vệ đôi mắt của mình kỹ như vậy
Ngày bố về, tôi không ra đón được, lúc tôi về tới nhà đã thấy bố ngồi đó, trông bố gầy hơn trước, nước da cũng đen hơn nhưng thần sắc thì có lẽ cũng khá hơn, tôi lặng lẽ bước vào chào bố, bố mỉm cười và bảo tôi ngồi xuống, bố bỏ cái ba lô đã cũ xờn và lấy ra trong đó một cái túi và bảo đây là quà mà mọi người dưới quê gửi lên cho tôi, tôi nhìn bố mà trong long nghẹn ngào, tôi không nói được gì, tôi cũng không hỏi trong thời gian đó bố sống ra sao, bố có trách tôi sau những chuyện đã xảy ra không, tôi im lặng. Bố ngồi đó và kể cho tôi nghe những câu chuyện ở quê, chuyện bọn trẻ con ở đó chơi những trò gì mà ở ngoài thành phố không có, bố kể với vẻ mặt tươi vui lắm nhưng bố đâu có biết lúc ấy tôi đã bước vào phòng, mẹ ngồi cạnh và nghe những câu chuyện bố kể, tôi lặng lẽ mang một thứ xuống, đó là cây đàn mà năm xưa bố đã từng chơi, tôi cầm nó và chơi bản nhạc đầu tiên mà tôi tự học được, bố đang kể chuyện bỗng khựng lại, vẻ mặt bố bắt đầu chuyển từ tươi sang trầm ngâm, bố dường như đang sống lại thời quá khứ của bố với cây đàn năm xưa, kí ức dần dần tái hiện lại trong bố theo thời gian qua từng nốt nhạc.
Khi bản nhạc kết thúc cũng là lúc bố đã được sống lại với chính mình, trong khoảnh khắc ấy tôi cảm nhận được những giọt nước mắt trong bố.
Home »
» Đôi mắt của cha
0 comments:
Post a Comment