Home » » Tình yêu và lời dị nghị

Tình yêu và lời dị nghị

Biên tập bởi Góc yêu thương 360

Tôi không sợ miệng đời dị nghị

Tuy không nói thẳng ra nhưng nhìn vào mắt mẹ, tôi biết tình xưa nghĩa cũ vẫn còn đọng lại ít nhiều.

Tôi biết nhiều người không tin rằng trên đời lại có người phụ nữ vô liêm sĩ như người đàn bà đã giật chồng của mẹ tôi, giật cha của anh em tôi. Nhưng những gì mà cô ta kể với mọi người chỉ là một phần rất nhỏ trong số những điều tồi tệ mà cô ta và người mà tôi phải gọi là cha đã gây ra cho mẹ tôi.

Cô ta cũng không phải người đàn bà đầu tiên mà ba tôi dan díu suốt những năm tháng chung sống với mẹ. Nhiều lúc tôi hận mình đang mang trong người dòng máu của ông ta. Nhưng tôi không thể nào làm khác hơn và từ lâu, tôi và các em không còn xem người ấy là cha của mình.

Ông ngoại tôi kể ngày biết mẹ tôi yêu người thanh niên ở trọ cạnh nhà, ông bà đã ra sức cản ngăn. Lý do đầu tiên là vì mẹ tôi lớn tuổi hơn. “Đàn bà có thuở, có thì, sanh đẻ vài lần sẽ già hơn chồng. Bình thường đã vậy, huống hồ gì nó lại nhỏ hơn bây tới 5 tuổi? Cha nói không là không!”- ông ngoại tôi kiên quyết như vậy.

Nhưng mẹ tôi vẫn cãi lời. Mẹ nhịn ăn rồi uống thuốc tự tử để chứng minh tình yêu của mình. Cuối cùng ông bà ngoại tôi phải chịu thua. Gả mẹ tôi xong, ông bà còn phải lo nhà cửa, thậm chí còn phải xin việc cho ba tôi vì lúc đó, một y sĩ hộ khẩu tỉnh mới ra trường đâu phải muốn ở lại thành phố mà được. Chính vì vậy, sau này khi ba tôi ngoại tình lần đầu, mẹ chỉ biết khóc chứ không dám than thở với ai. Năm đó tôi 15 tuổi. Dưới tôi còn 3 đứa em. Thấy mẹ cứ khóc hoài, tôi gạn hỏi, mẹ mới kể chuyện. Tôi nghe xong tức quá chạy về méc ngoại. Tôi nhớ lần đó sau khi biết chuyện, ba đã tát tai tôi và mắng: “Đồ quỷ chớ không phải con cái”.

Khi ấy ba tôi đã là bác sĩ sau mấy năm học chuyên tu. Ba nói tôi làm mất mặt ba với bên ngoại; mất mặt ba với bạn bè, đồng nghiệp. Tôi bị đánh đau, tức quá cãi lại: “Nếu sợ mất mặt thì ba đừng làm”. Cứ tưởng nói vậy tôi sẽ bị ăn đòn tiếp nhưng mẹ tôi đã nhào ra đẩy tôi vào buồng đóng chặt cửa lại.

Được vài năm thì lại nghe ba tôi mèo mỡ. Lần này là một cô gái ở tận miền Bắc mà ba quen trong một lần đi hội nghị. Chuyện tới tai mẹ bởi ở bệnh viện nhiều người không ưa ba vì cái thói nghênh ngang, cao ngạo. Họ báo cho mẹ tôi biết. Mẹ lại khóc. Một hôm tôi tình cờ nghe ba mẹ nói chuyện với nhau. Đại khái là ba tôi đổ thừa tại mẹ “không làm tròn bổn phận” nên ba phải ra ngoài giải quyết.

Thật sự khi ấy, tôi thất vọng ghê gớm vì thú nhận này của một người mà ít nhiều tôi vẫn còn tôn trọng. Tôi bàn với các em đi mua thuốc về cho mẹ uống nhưng khi nói với mẹ thì bà gạt đi: “Chuyện vợ chồng quan trọng là có yêu thương nhau hay không chớ nếu chỉ vì cái nhu cầu tầm thường ấy thì ba có đi với người khác mẹ cũng không cản được”.

Tuy nói vậy nhưng tôi biết mẹ rất buồn. Nhiều đêm liền mẹ không ngủ được nên tóc bạc trắng. Điều đó càng làm cho khoảng cách tuổi tác giữa hai người càng xa thêm. Cho đến khi ba tôi quen Lệ Mỹ thì ông đòi ly hôn. Mẹ tôi không đồng ý. Mẹ nói ba muốn đi với ai thì tùy, mẹ không can thiệp nhưng nhất quyết không ly hôn. Tôi đã bàn với mẹ và đánh cược một lần cuối khi tìm gặp Lệ Mỹ. Cô ta không biết lỗi mà còn ngông nghênh thách thức. Mẹ tôi lại tiếp tục mất ngủ. Nhưng sau đó mẹ đã đồng ý ly hôn.

Mấy năm qua, không có ba, cuộc sống của mẹ con tôi bình lặng, êm đềm. Dù thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp mẹ thẫn thờ ngồi hằng giờ trước tấm hình cưới của hai người nhưng tôi biết lòng mẹ đã nguôi ngoai.

Thế mà đùng một cái, cô ta lại xuất hiện và làm xáo động cuộc sống của chúng tôi. Cô em gái của tôi khăng khăng: “Mẹ không được gặp ông ấy vì như vậy mẹ sẽ yếu lòng. Ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Sao lúc mạnh khỏe không tìm mà lúc bệnh sắp chết rồi lại nhớ tới vợ con?”. Đối với các em tôi, những gì mà ba tôi đã gây ra là không thể tha thứ. Mẹ tôi im lặng.

Ban đầu tôi cũng kiên định lập trường, nhất quyết không cho mẹ đến gặp ông ta. Nhưng mấy ngày sau, nhìn mẹ cứ thẫn thờ, tôi không đành lòng. Tôi đưa mẹ đến gặp ông ta. Sau mấy năm không gặp, tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy bộ dạng của người đàn ông hào hoa phong nhã thuở nào. Cái đầu đã cạo trọc lóc, da mặt sạm đen, hai hốc mắt như vô hồn. Ông ta khóc rấm rức trước mặt mẹ tôi. Hình như mẹ tôi cũng khóc...

Và bây giờ thì mẹ tôi đã mềm lòng. Tuy không nói thẳng ra nhưng nhìn vào mắt mẹ, tôi biết tình xưa nghĩa cũ vẫn còn đọng lại ít nhiều. Mẹ muốn đem ông ta về nhưng thấy chúng tôi kiên quyết quá nên không dám mở lời. Tôi ướm thử ý kiến các dì, các cậu nhưng không có lấy một người đồng tình. Cậu Ba tôi nói: “Tụi bây mà đem thằng cha ấy về là tao từ luôn mẹ con bây”. Dì Út còn quyết liệt hơn: “Nếu đem thằng cha đó về thì từ nay không còn chị em, dì cháu gì hết nghe chưa”.

Tôi kể với mẹ những điều này, mẹ ngồi trầm ngâm giây lâu rồi nói: “Dù gì thì ổng cũng là ba của tụi con. Nếu bỏ ổng đằng kia, có khi ổng chết sình, chết thúi trong nhà không ai hay. Lúc đó miệng đời dị nghị, mình không ngóc đầu lên được con à”.

Tôi không sợ miệng đời dị nghị vì bao nhiêu năm nay rồi chúng tôi đã quen với cuộc sống không có sự chăm sóc, giáo dục của một người cha. Thế nhưng cái hình ảnh một ông già hom hem sắp chết cứ ám ảnh khiến tôi có cảm giác mình quá vô tâm. Vô tâm là bởi nếu ở ngoài đời, gặp một người dưng như vậy, lòng tôi đã đầy trắc ẩn và muốn dang tay ra để giúp đỡ. Huống hồ gì người ấy lại là cha tôi...

Tôi không biết phải làm sao để những oán giận, khinh thường dồn nén bao nhiêu năm nay sẽ bị vứt bỏ đi để thay thế bằng tình cảm cha con bình thường như bao nhiêu con người trong xã hội này?

0 comments:

Post a Comment